Phạm Hồng Sơn - Đá Núi - Mãi Hồng - Nồng Say | Cảm xúc về một bài hát
51418
page,page-id-51418,page-template,page-template-full_width,page-template-full_width-php,eltd-core-1.0.3,ajax_fade,page_not_loaded,,borderland-ver-1.8.1,vertical_menu_enabled, vertical_menu_left, vertical_menu_width_290,smooth_scroll,paspartu_enabled,paspartu_on_top_fixed,paspartu_on_bottom_fixed,vertical_menu_inside_paspartu,transparent_content,wpb-js-composer js-comp-ver-4.11.2.1,vc_responsive
Cảm xúc về một bài hát

Bùi Long Chuông
Đường Hồ Chí Minh – những tháng năm

Tôi biết và quen Anh đã lâu, song ít khi được gặp và trò chuyện. Bởi hình như lúc nào Anh cũng bị cuốn hút vào công việc. Có lẽ vì vậy mà mỗi lần gặp Anh, tôi thường bị bất ngờ đến ngỡ ngàng trước nhưng thay đổi về công việc của Anh. Còn nhớ vào cuối năm 1983, khi mới ra trường được điều động vào Tây Nguyên công tác, tôi gặp và quen Anh trên vùng đất đỏ ba-zan. Lúc đó Anh là một kỹ sư trẻ của ngành Giao thông đường bộ. Bẵng đi một thời gian, khoảng đầu năm 1994 tôi tình cờ gặp Anh trong một đêm thơ nhạc do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kon Tum tổ chức (khi đó tỉnh Kon Tum vừa được tách ra khỏi tỉnh Gia Lai – Kon Tum). Vào thời điểm ấy Anh đã được đề bạt lên làm Phó Giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum (lúc Anh mới 34 tuổi). Và mới đây vào đầu năm 2005, trong buổi lễ khởi công xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Ngọc – Hồi đi Đắk – Tô, tôi lại được gặp Anh; lúc này Anh đã chuyển sang một cương vị mới: Tổng Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh.
Từ một kỹ sư trẻ của ngành Giao thông đường bộ mang trong mình nhiệt huyết được cống hiến thật nhiều cho đất nước, Anh đã tình nguyện vào Tây Nguyên công tác; rồi sau đó lại được điều ra Hà Nội, và bây giờ giữ trọng trách Tổng Giám đốc một Ban QLDA quan trong cấp Quốc gia; quả là điều ít ai ngờ tới. Song điều mà tôi quan tâm nhiều hơn là trong Anh giàu chất thi ca và cái “máu” nghệ sỹ.
Đó là vào một đêm cuối năm 1983, tại một quán cà phê nhỏ của phố núi Pleiku. Nhận lời mời của một anh bạn đồng hương, tôi đã có mặt trong quán cà phê hội tụ bạn bè. Cái bắt tay đầu tiên với Anh như tạo cho tôi một cảm giác gần gũi lạ thường. Anh giản dị, cởi mở và nhanh nhẹn trong mọi giao tiếp để rồi sau đó bạn bè khó mà quên Anh được. Đêm ấy giữa không gian mênh mông của phố núi Pleiku, lần đầu tiên Anh đã thể hiện cho chúng tôi biết về cái “máu” nghệ sỹ của mình. Anh say sưa hát những ca khúc do Anh sáng tác về một thời sinh viên sôi động, về những tình cảm của Anh đối với Tây Nguyên – quê hương mới. Còn chúng tôi thì mải mê nghe Anh hát đến quên cả thời gian, mặc cho cái se lạnh của thời tiết cuối năm ở vùng đất đỏ ba-zan càng về khuya càng thấm sâu vào da thịt. Nhưng trong quán cà phê nhỏ đêm ấy vẫn ấm áp giọng hát của Anh và nồng ấm tình bạn bè của những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường gặp nhau trên cao nguyên đâỳ nắng gió.
Từ buổi gặp nhau đầu tiên ấy, Anh đã để lại trong tôi ấn tượng về một con người bình dị, một tài năng say mê âm nhạc và ca hát. Đó cũng chính là điều thôi thúc tính tò mò trong tôi để khám phá sâu hơn về con người của Anh.
Phạm Hồng Sơn sinh ra và lớn lên trên quê hương xứ Nghệ, nơi rất giàu các làn điệu dân ca quyện chặt trong lời ru của mẹ. Thế nhưng Anh lại mang trong mình hai dòng máu: Một của quê hương xứ Nghệ và một của quê hương xứ Quảng. Chẳng là cha Anh người Tư Nghĩa – Quảng Ngãi, tập kết ra Bắc gặp mẹ Anh người Quỳnh Lưu – Nghệ An, rồi xây dựng gia đình và sinh ra Anh trên chiếc nôi xứ Nghệ: quê hương của những điệu hò, câu ví.
Tài năng âm nhạc và ca hát của Phạm Hồng Sơn được bộ lộ khá sớm. Bẩm sinh Anh đã có chất giọng và năng khiếu biểu diễn. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, không lần nào biểu diễn văn nghệ mà lại thiếu tiếng hát của Anh. Lớn hơn chút nữa, khi trúng tuyển vào trường Đại học, tài năng âm nhạc và biểu diễn của Anh lại có dịp nở rộ. Những ca khúc do Anh sáng tác và biểu diễn đã chiếm lĩnh sân khấu của nhà trường và trở thành “cánh chim đầu đàn” trong nhóm ca khúc chính trị của khoa Công trình (trường Đại học Giao thông vận tải).
Một kỷ niệm khó quên mà theo tôi như là sự gắn bó định mệnh giữa ước mơ được thể hiện trong ca khúc với quá trình phấn đấu và trưởng thành của Anh. Đó là dịp tôi gặp Anh trong đêm thơ nhạc đầu năm 1994 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kon Tum tổ chức. Buổi tối hôm ấy, Anh đã thể hiện rất thành công ca khúc: “Con đường của Bác”. Tuy nhiên lúc bấy giờ bài hát chỉ để lại trong lòng khán giả sự cảm nhận về một năng khiếu âm nhạc và một chất giọng ấm áp dễ truyền cảm đến ngọt ngào, mà không ai biết được rằng trong lời bài hát ẩn dấu một ước mơ cháy bỏng của một kỹ sư Giao thông luôn tâm huyết với nghiệp làm đường đã nung nấu trong Anh suốt một thời trai trẻ.
“…Đường con đi theo dấu chân Người, đi dọc Việt Nam yêu dấu, nối trăm miền bằng tình Bác thiết tha…”. Có phải đó chính là ước mơ của Anh về một con đường được mang tên Bác mà hôm nay cũng chính Anh là người đang giữ trọng trách Tổng Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh.
Chiều nay tôi gặp lại Anh trong căn phòng làm việc của Anh tại Ban QLDA đường Hồ Chí Minh số 80 – Trần Hưng Đạo – Hà Nội. Anh tâm sự: “Từ khi tình nguyện vào Tây Nguyên công tác, mình có nhiều thời gian được đi lại trên con đưòng Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh. Vì là một kỹ sư Giao thông đường bộ nên mình cảm thấy thương và yêu quý con đường biết chừng nào khi mỗi ngày con đường càng xuống cấp, mà kinh phí Nhà nước lúc bấy giờ chưa có điều kiện để sửa chữa nâng cấp con đưòng. Việc đi lại lúc bấy giờ ở Tây Nguyên thật khó khăn. Chính vì vậy mà đời sống của đồng bào các dân tộc ở đây đã trhiếu thốn lại càng khốn khó….
Có một lần mình đứng trên ngọn đồi cao trong Thị xã Kon tum nhìn về hướng đồng bằng, nơi ấy có quê hương mình. Tự dưng trong lòng mình khát khao có một con đường xẻ dọc Trường Sơn nối bao nhiêu đỉnh núi giữa bạt ngàn rừng xanh, để mỗi khi có dịp về Quảng Ngãi, Đà Nẵng sẽ không còn phải đi vòng về Quy Nhơn, xa gấp mấy lần đường… Rồi vào một đêm cuối năm 1989, trong lúc đang trăn trở về những con đường ở Tây Nguyên, mình bỗng nhớ về một kỷ niệm thiêng liêng…..
Đó là vào năm 1979, khi mình đang học năm thứ 2 của trường Đại học giao thông Đường sắt – Đường bộ thì được điều động cùng với sinh viên khoá 19 khoa Công trình vào khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để tôn tạo, tu sửa những con đường quanh nhà sàn của Bác. Thế rồi trong một lần tình cảm xao động, mình bật dậy viết không kịp theo dòng cảm xúc đang thăng hoa. Và cũng ngay trong buổi tối hôm đó, bài hát “Con đường của Bác” (sau này mình đổi thành: “Con đường của Bác, đường Hồ Chí Minh”) được ra đời. Tuy nhiên cả đêm hôm ấy mình cũng không thể nào ngủ được; Vì tâm hồn mình lúc đó tràn ngập những trăn trở và ước mơ về một con đường được mang tên Bác”…. Rồi như chợt nhớ ra điều gì đó, Anh thủ thỉ: “Năm 2000, tại hội diễn văn nghệ toàn ngành Giao thông vận tải, mình đã trình bày bài hát này. Lần đó, mình đã đoạt được 2 Huy chương vàng về sáng tác và biểu diễn. Mình còn nhớ tại Lễ trao giải, nhạc sỹ Thuận Yến – Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi đã phát biểu: Có những điều mà nhạc sỹ chuyên nghiệp chưa kịp sáng tác hoặc chưa viết được về con đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới thì chính những nhạc sỹ nghiệp dư như Phạm Hồng Sơn đã làm đựoc điều đó”.
Dừng lại một lúc như dể kìm nén bớt những xúc cảm đang trào dâng, Phạm Hồng Sơn kể tiếp: “Hôm 19-5 vừa rồi, nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh nhật Bác, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh có tổ chức vào lăng viếng Bác. Tại đây đoàn đã dược đồng chí Giám đốc khu di tích Bùi Kim Hồng và chị Cao Hải Yến – cán bộ phòng Hành chính đón tiếp rất niềm nở. Trong lúc trò chuyện, trao đổi, chị Cao Hải Yến chợt nhớ ra: “sáng nay trong mục mỗi tuần một cuốn sách của chương trình chào buổi sáng, Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu cuốn sách: “Hồ Chí Minh – Người sống mãi với non sông”. Trong đó có bài “Con đường của Bác, đường Hồ Chí Minh” của anh Sơn. Hôm nay rất hân hạnh được gặp anh, nếu không có gì bận rộn, anh có thể hát tặng chúng tôi tại khu di tích của Bác nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Người”. Tôi đã nhận lời hát và trước khi trình bày, có kể tóm tắt về kỷ niệm sáng tác bài hát nhân một đợt được vào làm những con đường quanh nhà sàn của Bác. Lúc hát xong, chị Yến xúc động nói: “Cho đến hôm nay khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi nhận 3 bài hát của các tác giả dược sáng tác từ những cảm xúc khi được vào Lăng viếng Bác và thăm nơi làm việc của Người. Bài thứ nhất là ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của nhạc sỹ Trần Hoàn. Bài thứ hai là “Chuyện cây xanh bốn mùa” cũng của nhạc sỹ Trần Hoàn, và bài thứ ba là “Những bông hoa trong vườn Bác” của nhạc sỹ Vân Dung. Lần này chúng tôi lại ghi nhận thêm một ca khúc nữa cũng được sáng tác từ những cảm xúc đối với những cảnh vật trong khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là ca khúc “Con đường của Bác, đường Hồ Chí Minh” của Tổng Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh Phạm Hồng Sơn”. Nghe chị nói, tôi bồi hồi xúc động. Sự xúc động ở đây không phải vì bài hát của tôi được khu di tích trân trọng xếp cùng với những ca khúc của những nhạc sỹ có tên tuổi, mà xúc động bởi vì khi hiểu ra rằng mình đã làm được một việc như là một món quà nhỏ dâng lên Bác kính yêu nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Người”…
Quả thật trong cuộc đời, tôi đã bao lần xúc động khi được nghe nhiều người kể lại những kỷ niệm đối với Bác. Song lần này lại chính là Anh, một con người luôn hướng về Bác với một tình yêu thiết tha. Và cũng tại căn phòng làm việc của Anh chiều nay, theo đề nghị của tôi, Anh đã hát cho tôi nghe một lần nữa ca khúc “Con đường của Bác, đường Hồ Chí Minh”. Lần này Anh hát không có đàn ghi ta. Nhưng tiếng hát của Anh như những cung bậc của một cây đàn vô hình đang được phát ra từ trong trái tim đang thổn thức của một kỹ sư Tổng Giám đốc, dù bận trăm công ngàn việc, song tâm hồn Anh lại rất rung động trước những lời ca, giai điệu, tiết tấu của âm nhạc.
Những ngày này, “Con đường của Bác, đường Hồ Chí Minh” mà Anh hằng ấp ủ, mơ ước trong lời ca của một bài hát trùng tên do Anh sáng tác đã trở thành hiện thực. Đường Hồ Chí Minh đang ngày đêm vươn dài phía trước, nối liền các vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa trên khắp một dải rừng núi phía Tây của Tổ quốc từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau). Đi trên đường Hồ Chí Minh hôm nay, tôi như cảm nhận được hình ảnh của Bác kính yêu vẫn đang đứng đó, ung dung vẫy gọi những đoàn quân tiến ra phía trước trong bản trường ca đi xây dựng đất nước, mà ca khúc “Con đường của Bác, đường Hồ Chí Minh” của Phạm Hồng Sơn là những nốt nhạc tạo nên bản trường ca đó.

Hà Nội, tháng 05 năm 2005