Phạm Hồng Sơn - Đá Núi - Mãi Hồng - Nồng Say | Cuộc đời và sự nghiệp
51015
page,page-id-51015,page-template,page-template-full_width,page-template-full_width-php,eltd-core-1.0.3,ajax_fade,page_not_loaded,,borderland-ver-1.8.1,vertical_menu_enabled, vertical_menu_left, vertical_menu_width_290,smooth_scroll,paspartu_enabled,paspartu_on_top_fixed,paspartu_on_bottom_fixed,vertical_menu_inside_paspartu,transparent_content,wpb-js-composer js-comp-ver-4.11.2.1,vc_responsive
Cuộc đời và sự nghiệp

Theo Hồng Hạnh
“Doanh nhân Việt Nam – nụ cười và nước mắt” – tập 4

Tuổi thơ dữ dội

Sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Đàn. Cha anh quê ở Quảng Ngãi, mẹ ở Nghệ An. Cha mẹ anh gặp nhau ở mảnh đất Nghĩa Đàn khi cha anh tập kết ra đó. Tuổi thơ và thời trai trẻ của anh đã gắn liền với một vùng quê đầy nắng gió. Anh tâm sự: “Dù có ở đâu, đi đâu tôi vẫn luôn nhớ về Nghĩa Đàn. Nơi đây, tôi đã cất tiếng khóc chào đời trong lời ru của mẹ và tình thương của cha”. Anh vẫn nhớ về tuổi thơ khá dữ dội của mình đắm chìm trong những ngày hè nắng cháy. Kỷ niệm về tuổi thơ của anh gắn với nông trường 1/5 ở Nghĩa Đàn, với dốc Bò Lăn bị địch đánh phá rất ác liệt. Kể đến đây, dường như thấy tôi ngạc nhiên về cái tên Bò Lăn, anh chậm rãi giải thích: “Cái tên Bò Lăn cũng được ra đời từ sự ác liệt đó. Đó là dốc trọng điểm bị bắn phá, con người đi qua đó phải vừa bò, vừa lăn chứ không phải là con bò lăn như trong tiềm thức tuổi thơ của mình”.

Nông trường 1/5 được thành lập khi bộ đội miền Nam ra tập kết. Vùng đất đỏ bazan này là nơi khai thác và chế biến cao su, cà phê… Anh còn nhớ vào những năm 65, 66 máy bay Mỹ đánh phá vô cùng ác liệt. Gia đình anh trở thành ngôi nhà nương náu cho bộ đội chiến đấu và cũng là đại bản doanh để huấn luyện quân đội. Có những khi nhà anh có cả một khẩu đội pháo ở nhờ. Ngày ấy, cậu bé Sơn được sống chung với những người lính cụ Hồ, anh đã được sống trong tình quân dân và anh thầm ao ước lớn lên mình cũng trở thành chiến sĩ. Cuộc sống thời chiến ác liệt là vậy, nhưng ngay từ lúc 12, 13 tuổi, cậu bé Sơn vẫn thường xuyên trốn khỏi hầm trú ẩn để xem cắt bom, mỗi lần thấy bộ đội mình bắn là lại vui sướng vỗ tay ầm ĩ. Thời gian đó, do chiến tranh ác liệt, người dân Nghệ An thiếu thốn vô cùng. Sách khi ấy là mơ ước của cả người lớn và đặc biệt là lũ trẻ con. Cậu bé Sơn cũng nằm trong số này, mê sách vô cùng. Và mơ ước thi đậu Đại học để có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với nguồn kiến thức vô tận đó. Ngoan và lễ phép, nhưng đặc biệt Sơn rất hiếu động. Cậu luôn là người bày ra những trò chơi từ thể thao cho tới văn nghệ. Muốn thổi sáo mà không có cây sáo, cậu tự khoan lỗ thành sáo rồi lấy ống bơ rỉ để “chế tạo” đàn bầu. Nghịch ngợm nhưng lại rất yêu văn nghệ. Từ khi mới 3 tuổi, khi đi dự đám cưới của một người cùng nông trường, do va đập vào bàn tiệc nên cậu vừa khóc, vừa múa rồi vừa hát một cách say mê. Kể cho tôi nghe về những ngày dữ dội ấy, anh không quên nhắc đến một kỷ niệm mà anh nhớ mãi. Hồi đó, mới học cấp 1, đội văn nghệ của trường toàn là con gái, chỉ có mỗi Sơn là con trai nên lúc đầu các cô giáo tập sự không biết. Một lần, khi các bạn gái đang múa, cô giáo tập sự thấy Sơn cầm ảnh Bác Hồ múa ở giữa vòng lại tưởng Sơn trêu đùa các bạn gái. Khi biết Sơn là thành viên trong đội văn nghệ, cô đã rất ngạc nhiên. Cô còn ngạc nhiên hơn nữa khi thấy Sơn múa rất dẻo, chẳng thua kém gì các bạn gái. Nổi tiếng tinh nghịch nhưng lại rất chăm học và học giỏi. Cuộc hành trình hàng ngày đến trường của cậu bé Sơn là quãng đường đi bộ 8 km. ấy vậy nhưng, từ lớp 1 đến cấp 3, chỉ trừ những ngày bom đạn ác liệt, cả trường phải nghỉ học chứ cậu thì chưa một ngày vắng lớp. Và cũng từ cấp 1 đến cấp 3, năm nào Sơn cũng là học sinh giỏi của trường, luôn được trong đội thi học sinh giỏi văn và toán của trường. Từ bé, nhờ sự năng nổ, nhiệt tình và thích xung phong, cậu luôn được thầy cô và và bạn bè bầu làm cán bộ lớp. Cấp 1 thì giữ chức liên đội trưởng, khi vào Đoàn thì được làm Bí thư chi đoàn, đến khi được kết nạp Đảng thì lại được giữ chức Bí thi chi bộ. Kể đến đấy, anh chợt dừng lại mỉm cười thân thiện rồi lại tiếp tục câu chuyện: “ 5 năm học Đại học mình vẫn là cán bộ lớp, là sinh viên khá của trường. Có lẽ nó như là cái duyên, ở đâu mình cũng là hạt nhân trong các phong trào và cho đến giờ vẫn vậy. Hồi còn làm Phó Tổng Giám đốc mình vẫn lên sân khấu”.

Người “thích xung phong”

Tuổi thơ dữ dội với chiến tranh và những trò tinh nghịch cứ thế cùng với Sơn lớn dần lên. Nhà anh ở gần đường 15, lúc đó là tuyến đường huyết mạch, chiến lược, vận chuyển lương thực vào Nam. Và cứ thế, tiếng xe chạy trong đêm, những đợt bắn pháo sáng, hình ảnh con đường đã đi vào tầm thức của anh trong những năm chiến tranh. Mê ô tô, mê con đường đất đỏ, cứ vào mùa mưa, đất lại dính đầy người. Vậy mà hàng ngày Sơn vẫn đi về 16km trên con đường ấy. Lên lớp 10, anh mới được biết cầu đường cũng là một nghề. Vậy là kỷ niệm về con đường tuổi thơ đưa anh đi đến quyết định thi vào trường Đại học Giao thông đường sắt, đường bộ (nay là trường Đại học Giao thông vận tải). Những kỷ niệm trong gian khó của tuổi thơ, cộng với những điều thiêng liêng được học trên giảng đường đại học đã tôi luyện Sơn thành một con người biết chịu đựng khó khăn, gian khổ. Một tình yêu quê hương, đất nước luôn ẩn chứa trong anh bởi những hình ảnh đẹp mà anh được chứng kiến về tình quân dân, về tinh thần tập thể, hun đúc trong anh một đức tính luôn sống vì cộng đồng. Có lẽ, cũng chính vì điều đó mà đến năm 1983, khi vừa tốt nghiệp đại học, anh xung phong vào nhận công tác tại Tây Nguyên. Bạn bè có nhiều người không biết lại tưởng anh bị điều đi nên đến chia buồn. Còn với Sơn, ở nơi nào gian khó, nơi đó sẽ có anh!

Vào Tây Nguyên, anh được phân công về công tác tại Ban Kiến thiết cơ bản của Sở Giao thông vận tải Gia Lai – Kon Tum ( sau này là Ban quản lý công trình). Đó là những năm bọn Fulrô hoạt động rất mạnh. Hàng ngày, các anh làm việc bên cạnh tiếng súng, đạn diễn ra ác liệt. Trước khi vào Tây Nguyên, anh đã từng được cảnh báo về tình hình tại dây, nhưng anh và các đồng nghiệp vẫn đi. Nhớ lại những ngày ấy, anh tâm sự: “Có lẽ vì tuổi trẻ và những gì được tôi luyện trong chiến tranh đã giúp mình có được cái khí thế không sợ gian khó, nguy hiểm ấy”. Anh còn nhớ như in cái ngày 10-9-1985, lúc ấy địch rải đạn vào tận lán công trường khiến nhiều đồng chí của anh đã hy sinh, anh may nắn thoát chết. Đơn vị anh phải rời khỏi lán công trường. Một tháng sau, cả đơn vị quay lại nơi cũ để tiếp tục làm đường. Lúc này, các anh được trang bị nhiều súng đạn hơn để vừa làm việc, vừa chiến đấu và đặc biệt là có thêm một đơn vị bộ đội bảo vệ. Khi mới ra trường, anh đã được học 3 tháng sĩ quan dự bị nên dù không phải là người lính, thêm nữa, đã trải qua tuổi thơ với chiến tranh nên anh cũng quen với trận mạc và Sơn vừa làm việc, vừa chiến đấu cùng đồng nghiệp như một người lính thực thụ. Làm ở Sở Giao thông vận tải Gia Lai – Kon Tum đến năm 1986, anh được tăng cường về Liên hiệp Lâm Nông Công nghiệp ở Đăk Lây hai năm. Ngoài chuyên môn chính của mình, anh cũng bắt tay cùng các đồng chí ở đây làm nông nghiệp, thuỷ lợi. Anh tâm sự, đây là quãng thời gian mà anh trưởng thành lên rất nhiều. Là Phó Giám đốc Xí nghiệp khảo sát thiết kế, Phó Ban Kiến thiết cơ bản, anh không chỉ trang bị thêm cho mình nhiều kiến thức mới mà còn học được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Năm 1988, anh quay về công tác tại Sở Giao thông vận tải Gia Lai – Kon Tum. Đến tháng 10 năm 1991, khi tách hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, anh xung phong đi Kon Tum và làm việc tại Sở Giao thông vận tải Kon Tum. Năm 1992, anh được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum. Năm 1994, anh được đề bạt làm Phó Giám đốc Sở khi mới 34 tuổi. Lúc đó anh là một trong những Phó Giám đốc Sở trẻ nhất toàn quốc của ngành Giao thông vận tải.

Khi anh đang là Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum thì anh Hà Đình Cẩn, lúc đó là Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, đang cùng đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải trên đường vào thị sát tuyến đường Trường Sơn. Anh Cẩn dừng lại ở Kon Tum và đến Sở thăm anh em. Sau câu chuyện hàn huyên, anh Cẩn đặt vấn đề: “Qua tìm hiểu, bọn mình muốn Sơn ra công tác tại văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc Nam. Nếu Sơn đồng ý, mình sẽ làm việc với tỉnh trước, sau đó về Bộ để có công văn trực tiếp”. Lời đề nghị khá bất ngờ làm anh không khỏi do dự. Một mặt vì đã quen công tác, gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên này. Mặt khác, chắc gì lãnh đạo tỉnh uỷ cho phép anh đi trong lúc tỉnh đang có chủ trương bồi dưỡng anh là cán bộ nguồn, trẻ, kế cận. Nhưng khi anh Cẩn cho hay, xa lộ Bắc Nam sẽ được Nhà nước đầu tư, nâng cấp, trong lòng anh bỗng thấy vui hẳn lên. Anh nhớ lại khi còn là sinh viên khoa Công trình, trường Đại học Giao thông, anh được nghe các thầy cô giáo kể nhiều về chuyện khảo sát mở đường trong những năm chống Mỹ. Và chính năm 1972-1973, do yêu cầu của Bộ Tư lệnh 559, trường Đại học giao thông đã cử một đoàn cán bộ sinh viên vào bổ sung thêm cho Cục công binh 559 tham gia khảo sát mở đường cùng các đơn vị. Nhiều câu chuyện khá hấp dẫn về những người đi mở đường thủa trước vẫn in đậm mãi trong anh. Ngày ấy, anh đã nhiều đêm thao thức, ước gì sau này có điều kiện được đóng góp một phần nhỏ kiến thức, năng lực của mình vào việc xây dựng tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh. Cũng từ những tình cảm đó, sau khi ra trường về công tác ở Sở Giao thông vận tải Gia Lai – Kon Tum một thời gian, sẵn có vốn kiến thức về âm nhạc, sau nhiều đêm trăn trở, anh đã viết bài hát: “Con đường của Bác, đường Hồ Chí Minh” để gửi gắm những ước nguyện của mình về con đường huyền thoại. Thật bất ngờ, bài hát đã nhận được giải thưởng tại Hội diễn quần chúng ngành Giao thông  năm 2000. Trong nội dung bài hát, từ lời ca đến giai điệu dù chưa được nhuần nhuyễn, song anh đã dồn vào đó tình cảm chân thật của mình và lòng kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ. Chưa đầy hai tháng sau khi ra lời đề nghị, anh Hà Đình Cẩn trở về Bộ, có công văn trực tiếp xin tỉnh uỷ cho anh Sơn được ra công tác tại Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc Nam. Tỉnh uỷ Kon Tum phải họp hai lần để cân nhắc rồi mới quyết định đồng ý cho anh đi vì đây là con đường có tính chiến lược, rất quan trọng đối với việc phát triển toàn diện của Tây Nguyên. Anh làm Phó Chủ nhiệm giúp việc về mảng kinh tế. Anh trở lại Hà Nội nhận công tác mới năm 1997. Anh vẫn không khỏi xúc động về lần trở lại này, bởi lẽ, sau khi ra trường vào Tây Nguyên, anh không nghĩ mình có dịp trở lại. Bố anh thì trêu: Ra tập kết lần 2. Còn anh thì đến đây đã thoả ước mơ được làm con đường huyền thoại ấy.

Nói đến đây, anh Sơn chợt dừng lại rồi lại tiếp tục nói cho tôi nghe về việc lấy tên công trình là “Đường Hồ Chí Minh”. Anh kể, trong quá trinh nghiên cứu lập dự án, đã có nhiều ý kiến của các Bộ, các ngành, địa phương và cán bộ lão thành cách mạng bày tỏ nguyện vọng được đặt tên cho con đường là đường Hồ Chí Minh để xứng đáng với vai trò và tầm vóc của tuyến đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá đất nước. Đường Hồ Chí Minh là tên gọi rất đỗi quen thuộc được nhân dân trong nước và các nước trên thế giới biết đến. Việc lấy tên công trình là “Đường Hồ Chí Minh” còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước cho con cháu các thế hệ mai sau. Hơn nữa, việc lấy tên một vị lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hoá thế giới để đặt tên cho một công trình lớn chạy suốt từ Bắc vào Nam là điều xứng đáng. Chính vì thế mà xa lộ Bắc Nam được lấy tên là đường Hồ Chí Minh.

Niềm vui chưa được bao lâu thì công trình gặp phải khó khăn ngay từ những bước đầu tiên. Năm 1998, ngân sách Nhà nước khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực diễn ra rất trầm trọng khiến cho đường Hồ Chí Minh là một trong tám công trình bị đắp chiếu và hoãn tiến độ. Nhưng đến năm 1999, hai trận đại hồng thuỷ ở miền Trung đã làm cho đèo Hải Vân như bị đứt đôi khiến cho các tuyến giao thông đi qua đoạn đường này bị tắc nghẽn. Điều này đã thúc đẩy việc xây dựng một con đường Hồ Chí Minh huyền thoại và nó trở thành một hạng mục công trình phải được tiến hành ngay. Cuối năm 1999, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định thành lập Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Văn phòng thường trực chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc Nam được chuyển thành). Anh Cẩn là Vụ trưởng, kiêm Tổng Giám đốc Ban, còn anh Sơn là một trong hai Phó Tổng Giám đốc Ban. Cũng từ đây, nhiều vấn đề khó khăn, vất vả và gánh nặng quan trọng mang tầm quốc gia được đặt lên vai Ban Tổng Giám đốc, trong đó có anh. Trước thực trạng bức xúc của tình hình lũ lụt, do yêu cầu về an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế nên một số đoạn của khu vực miền Trung, Tây Nguyên cần được triển khai làm trước. Cũng chính vì vậy mà sau một thời gian chuẩn bị, ngày 3-2-2000, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1. Nội dung đầu tư là tận dụng các quốc lộ, tỉnh lộ hiện có, nối thông và đưa chúng vào tiêu chuẩn ở một số đoạn. Vì tình hình cấp bách, đến cuối tháng 2-2000, anh được Tổng Giám đốc giao nhiệm vụ vào Quảng Bình để làm công tác chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng con đường. Thật tự hào và phấn khởi, ngày 5-4-2000, tại Xuân Sơn – Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ  Phan Văn Khải thay mặt Bộ Chính trị và Nhà nước đã phát lệnh khởi công xây dựng con đường Hồ Chí Minh lịch sử. Kể đến đây, anh không khỏi xúc động nói: “Và thế là, đường Hồ Chí Minh từ huyền thoại đã trở thành hiện thực”.

Sau khi dự án khởi động, Tổng Giám đốc phân công anh phụ trách mảng kinh tế và chỉ đạo thi công đoạn từ Đăc Krông (Quảng Trị) vào Ngọc Hồi (Kon Tum). Được trở lại với rừng, mỗi tháng anh lại đi cùng anh em có mặt trên đoạn tuyến một lần. Do đường đi lại khó khăn vì tuyến đường năm xưa sau 25 năm, lau ngàn, cỏ lách, cây rừng xanh um che kín, các đoạn đường do mưa rừng xối xả, đã xuống cấp quá nhiều. Có những đoạn chừng 30 km trên tuyến muốn thị sát phải đi vòng quốc lộ 1A, rồi vòng lên mất 300km. Điều đó cho thấy,  trong một tháng có những đoạn khó chỉ cần đi khảo sát 30km trên thực địa đã phải tốn công gấp 10 lần. Song mỗi lần gặp khó khăn, trở ngại, anh lại nhớ đến con đường Trường Sơn năm xưa có bao đồng đội đã ngã xuống để có được một con đường huyền thoại chạy dọc từ Bắc tới Nam. Nhất là sau các chuyến đi thị sát cùng các anh em tư vấn khảo sát thiết kế Bộ Giao thông thông vận tải đoạn từ Khe Gát – làng Ho, A Sầu – A Lưới- Giằng – Kon Tum. Trên dọc các tuyến đưòng, đi đến đâu anh cũng thấy nhân dân các vùng dân tộc thiểu số như Pa-Cô, Vân Kiều, Ca-Tu… còn có cuộc sống lam lũ, kham khổ quá, họ sống thiếu thốn nhiều mặt. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn như kinh phí cho nguồn đi khảo sát và các chi phí hành chính hàng ngày đều  rất tiết kiệm. Lúc bấy giờ, hàng trăm triệu đồng không thể có được chứ chưa nói đến hàng nghìn tỷ đồng như trong dự án. Đã có lúc, các anh không tránh khỏi việc ít ai tin rằng đường Hồ Chí Minh có thể thực hiện được dù các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi đó rất quan tâm.

Để Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải có tài liệu báo cáo cụ thể toàn bộ các vấn đề của dự án trước cuộc họp của Bộ Chính trị, anh cùng các anh em trong Ban quản lý dự án đã ngày đêm khẩn trương hoàn tất chính xác các số liệu và luận cứ vững chắc, giúp các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước có đầy đủ thông tin trước khi đưa ra các ý kiến chỉ đạo và kết luận chính thức để việc triển khai và thực hiện dự án được thuận lợi. Đồng thời với việc triển khai xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tiếp tục được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoàn chỉnh theo quy hoạch để trình Quốc hội phê chuẩn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ. Để thực hiện hoàn chỉnh nội dung của báo cáo trình Quốc hội cũng như báo cáo giải trình, trong suốt thời gian này gần như ngày nào anh Sơn và các cán bộ của Ban cũng đều làm việc từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm mới được nghỉ. Không những thế, các anh lại lên đường đi kiểm tra và khảo sát hiện trường. Đến ngày 19-5-2004, anh được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc thay anh Cẩn lúc đó chuyển sang làm công tác khác. Sau bao ngày đêm vất vả, đến ngày 3-12-2004, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã ký quyết định về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167km, với điểm đầu của tuyến đường từ Pắc Bó (tỉnh Cao Bằng) và điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau). Đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: Mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng giai đoạn với quy mô từ 2 đến 8 làn xe. Trong đó, từ năm 2000-2010 sẽ đầu tư để nối thông đường từ Pắc Bó đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe, đối với những đoạn không thể nâng cấp đạt chuẩn đường cao tốc thì mở rộng mặt cắt ngang đường phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ. Và ngày 3-2-2004 được đánh dấu là ngày kết thúc của “chiến dịch 90 ngày đêm” chuẩn bị báo cáo trình Quốc hội…

Hành trang cuộc đời

Trong suốt buổi trò chuyện, tôi vẫn chưa thể tin được người đàn ông luôn mạo hiểm, dấn thân vào những công việc gian khổ kia lại là một người yêu văn nghệ đến say mê. Và điều ngạc nhiên hơn nữa, không chỉ hát hay, anh còn là một người có khá nhiều sáng tác về công việc của người làm công trình. Ba tuổi đã tham gia hoạt động văn nghệ tại địa phương, những năm 80 đã có tác phẩm đầu tay. Mê hát, tự học đàn ghitar để thoả ước nguyện sáng tác những gì mình yêu thích. Anh tặng tôi một tập ca khúc lấy tên một tác phẩm anh đã sáng tác những ngày đầu vào Tây Nguyên để làm tựa đề:”Con đường của Bác, đường Hồ Chí Minh” cùng một CD tuyển chọn một số sáng tác. Trong CD đó, có một số ca khúc anh tự trình bày. Những ca khúc gắn liền với những con đường, về quê hương và cuộc hành trình mà anh đã và đang trải qua. Anh tâm sự với tôi, những tác phẩm này làm hành trang trong cuộc đời anh.

Trong câu chuyện lúc ban đầu, anh có nhắc với tôi về những con số đã gắn với cuộc đời anh. Mới nghe thì có vẻ hơi mê tín nhưng nghe rối thì mới thấy nó là số phận. Con số đầu tiên gắn với cuộc đời anh là con số 9. Anh sinh năm 1960, nhưng tuổi âm lại là 1959, đó cũng là năm đường mòn Hồ Chí Minh bắt đầu khởi sự; năm 1969 Bác Hồ mất; năm 1979, khi là sinh viên năm thứ nhất, anh được phân công vào nhà sàn của Bác để tu sửa con đường mà mỗi buổi sớm mai Bác Hồ vẫn đi trên đó; năm 1989, anh sáng tác bài hát “Con đường của Bác, đường Hồ Chí Minh”; năm 1999, đường Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị cho chủ trương bắt đầu xây dựng giai đoạn 1. Con số 6 thì lại gắn liền với gia đình anh. Anh lập gia đình năm 1986 vào đúng ngày 26-7; anh chị sinh được 3 người con (2 trai, 1 gái) thì ngày sinh của các con toàn vào ngày 26 âm hoặc dương. Đến nay, 2 con trai đầu của anh đang học Đại học. Và người con trai đầu quyết định theo học ngành của bố để nối nghiệp. Anh tâm sự: “Nghề cầu đường vất vả nhưng đầy vinh quang và là một nghề mang lại hạnh phúc cho nhiều người…”

Càng trò chuyện với anh, tôi càng thấy ở anh một lòng nhiệt huyết có lẽ không bao giờ cạn. Mỗi bước đi trong cuộc hành trình đầy gian khó của anh là một thử thách để có thêm những kinh nghiệm quý báu. Anh kể, năm 1998, khi công trình đường Hồ Chí Minh gặp khó khăn chưa thực hiện được, đó là lúc anh hẫng hụt, bi quan và chán nản nhất. Nhưng có lẽ số phận đã như một sợi dây vô hình kéo anh trở lại. Còn rất nhiều gian khó ở phía trước để biến ước mơ của anh và của triệu triệu trái tim người Việt Nam trở thành hiện thực. Tổng Giám đốc Phạm Hồng Sơn cùng các đồng nghiệp của mình vẫn đang ngày đêm làm công việc đã theo anh suốt cả cuộc đời.

 

*Đến tháng 3-2014, sau 10 năm làm Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh,  Phạm Hồng Sơn được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải luân chuyển công tác sang Ban quản lý dự án 2 (PMU2) cũng thuộc Bộ GTVT với cương vị Tổng Giám đốc. Phạm Hồng Sơn đã tham gia chủ trì xây dựng Dự án Cầu đường TÂN VŨ – LẠCH HUYỆN, HẢI PHÒNG, cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, một dạng “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
***
GIẢI THƯỞNG

HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG hạng II (Quyết định sô 948/QĐ-CTN ngày 27/5/2015 của Chủ tịch Nước TRƯƠNG TẤN SANG)
HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG hạng III (Quyết định số 792/2005/QĐ/CTN ngày 27/7/2005 của Chủ tịch Nước TRẦN ĐỨC LƯƠNG)
Kỷ niệm chương VÌ SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI VIỆT NAM (Quyết định số 2963/QĐ-BGTVT ngày 27/9/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT)
Kỷ niệm chương VÌ SỰ NGHIỆP VŨ TRANG QUẦN CHÚNG  (Quyết định số 478/QĐ-BQP ngày 23/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
Kỷ niệm chương VÌ THẾ HỆ TRẺ (Quyết định số 298/NQ/TWĐTN ngày 24/3/2006 của Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS HCM)
Kỷ niệm chương CHIẾN SỸ TRƯỜNG SƠN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH ANH HÙNG (Quyết định số 5168/QĐ-TWH ngày 20/10/2018 của Chủ tịch BCH Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh Việt Nam).