Làm đường Hồ Chí Minh trong phủ Chủ tịch – Tiến Mạnh.
https://www.baogiaothong.vn/tu-duong-mon-trong-phu-chu-tich-den-duong-ho-chi-minh-d96446.html
Tập thể sinh viên Khóa 19, Khoa Công trình Trường ĐH Giao thông Đường sắt – Đường bộ, Hà Nội trong dịp tu sửa, tôn tạo di tích nhà sàn Bác Hồ năm 1979 |
Tôn tạo con đường mỗi sáng Bác đi
10 năm sau ngày Bác ra đi, năm 1979, hơn 100 sinh viên của trường Đại học Giao thông Đường sắt – Đường bộ (Đại học GTVT ngày nay) vinh dự đảm nhận việc thi công tôn tạo con đường Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch. Và như có một sự trùng hợp đến kỳ lạ, trong đó có người sau này ra trường đã tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh – con đường xuyên Việt thứ hai, đó là ông Phạm Hồng Sơn – nguyên Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh…
Gặp ông Phạm Hồng Sơn vào một ngày cận Tết Ất Mùi. Ông hiện là Tổng giám đốc Ban QLDA 2, dù bận bịu với công việc nhưng ký ức về những tháng ngày xây dựng hai con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ phai mờ trong ông. Ông Sơn là một trong những người đầu tiên thi công tôn tạo đường Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch, sau này cũng là một trong những người đầu tiên làm việc ở Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khi thành lập, rồi nhiều năm làm Tổng giám đốc đơn vị này để triển khai xây dựng con đường xuyên việt thứ hai phía Tây Tổ quốc, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Với ông, đường Hồ Chí Minh gắn bó như máu thịt, là cái duyên của cuộc đời mình.
Trong câu chuyện ông Sơn kể, trước khi có con đường đặc biệt ấy trong Phủ Chủ tịch, Bác từng tâm sự với người thư ký riêng của mình là ông Vũ Kỳ: “Tôi sinh ra ở Nghệ An, ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng. Qua Pháp, qua Anh, qua Mỹ, các nước châu Phi, đến Liên Xô rồi về Trung Quốc, thế mà mới vào đến Đồng Hới, chưa vào tới miền Nam… Cả cuộc đời, dù đã đi nhiều nơi nhưng lại chưa về đến chốn”.
“Tất cả chúng tôi thực sự nghẹn ngào, không nghĩ mình lại được nhận vinh dự ấy. Thời điểm đó, rất ít người được vào Phủ Chủ tịch. Thế mà chúng tôi lại được tận tay làm công trình ý nghĩa ấy và còn trực tiếp gặp những nhân vật kiệt xuất như: Ông Vũ Kỳ, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Trần Văn Trà… và được kể cho nghe những câu chuyện về cuộc đời Bác”.
Ông Phạm Hồng Sơn |
Đấy chính là lý do để Bác yêu cầu Bộ Chính trị bố trí cho mình vào thăm miền Nam. Tuy nhiên, do chiến trường ác liệt và sức khỏe của Bác đang yếu nên Bộ Chính trị chưa thu xếp được. Thế nhưng, quyết tâm phải vào bằng được miền Nam vẫn không vơi đi mà ngày càng mãnh liệt, thôi thúc Bác. Đi đường biển hay máy bay đều rất dễ bị lộ nên Bác yêu cầu tổ chức đi đường bộ.
Để chuẩn bị cho hành trình đặc biệt ấy, hàng ngày Bác đi bộ qua những đoạn đường khó nhất để rèn luyện sức khỏe và làm quen với những khó khăn, hiểm nguy. Bác đi nhiều đến nỗi đoạn đường xung quanh khu nhà sàn từ chỗ cỏ cây mọc lút đầu dần trở thành đường mòn. Sau này, con đường ấy đã được cán bộ, nhân viên trong Phủ Chủ tịch đặt tên đường mòn Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch.
Ông Sơn kể: “Sau 10 năm Bác mất, tháng 4/1979, chủ trương tôn tạo lại con đường này được thông qua. Đang là sinh viên năm thứ nhất, Khoa Công trình ngành Đường bộ (Đại học Giao thông Đường sắt – Đường bộ), tôi và hơn 100 sinh viên khác bất ngờ được nhà trường thông báo một vinh dự đặc biệt: Vào Phủ Chủ tịch để tôn tạo con đường mòn mà Bác Hồ thường đi bộ trước đó. Khi đó để thực hiện “công trình” này, tất cả các lớp Khóa 19 là đường bộ 19A, B, cầu 19 và đường sắt 19 được triệu tập. Nhận được tin, tất cả đều hân hoan trong sự xúc động khôn tả”.
Theo ông Vũ Kỳ, trước khi mất, cứ mỗi buổi sáng sớm Bác đều đi tập thể dục quanh ngôi nhà sàn giản dị của mình và tản bộ trên con đường chưa rõ lối đi ấy. Thế rồi, con đường đầy gai góc, cỏ cây ấy dần trở thành đường mòn, nhẵn nhụi. Sau này, Bác bảo thích rải sỏi trên con đường quanh nhà sàn vì như vậy khi đi chân trần sẽ tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, chỉ nghe tiếng sỏi lạo xạo là biết ngay có khách đến chơi.
“Nghe những câu chuyện trên, những kỹ sư cầu đường tương lai như chúng tôi thực sự nhận ra những điều giản dị và lớn lao ở Bác. Vì thế, khi thực hiện nhiệm vụ tôn tạo con đường xung quanh nhà sàn và đường mòn, chúng tôi được yêu cầu rải sỏi lại con đường như xưa. Tất cả được làm thủ công. Rải sỏi xong, lấy chiếc cống bê tông làm lu để đường được phẳng hơn”, ông Sơn xúc động nhớ lại và cho biết, đối với ông và các bạn cùng trường, đấy là con đường đặc biệt trong cuộc đời của những kỹ sư giao thông. Nó nhỏ thôi nhưng thật lớn lao. Và hơn thế, nó như một điều gì đó vô cùng thiêng liêng, đi theo ông suốt cuộc đời gắn bó trong ngành GTVT.
“Đường mòn Hồ Chí Minh” trong Phủ Chủ tịch ngày nay |
Trọng trách thi công đường Hồ Chí Minh thời hiện đại
“Ngày nhận quyết định làm Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, tôi nghẹn ngào xúc động khi nhận ra mối lương duyên kỳ lạ ấy. Lúc còn là sinh viên thì tôn tạo đường Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch. Khi ra trường nhận công tác thì về làm việc ở Tây Nguyên – nơi gắn liền với tuyến lửa Trường Sơn năm nào. Và rồi giờ làm Tổng chỉ huy của dự án đường Hồ Chí Minh thời hiện đại”, ông Sơn bồi hồi khi xâu chuỗi những sự kiện quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình.
Ông Sơn cho biết, năm 1986, ông được tăng cường lên làm việc tại Kon Tum và gắn bó với những tuyến đường một thời oai hùng trong khói lửa chiến tranh như: QL14 và đường Trường Sơn. “Nhưng những con đường thời đó xuống cấp và hoang phế vì nhiều năm không được sửa chữa, nâng cấp. Chứng kiến cảnh tượng ấy, tôi không khỏi chạnh lòng, chỉ đau đáu một mơ ước, khi nào kinh tế đất nước khá lên, nhất định phải khôi phục những con đường huyền thoại trong chiến tranh để góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên. Đấy cũng là một cách để tri ân với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên một lòng, một dạ đi theo Đảng, Bác Hồ trong suốt những năm chống Pháp, chống Mỹ”, ông Sơn tâm sự.
Ước mơ của vị Phó Giám đốc Sở GTVT Kon Tum khi ấy mới 34 tuổi đã trở thành hiện thực khi năm 1999, dự án mang tên “Xa lộ Bắc – Nam” được Bộ Chính trị đổi tên thành dự án đường Hồ Chí Minh. Tháng 8/1999, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh được thành lập và ông Sơn được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc, rồi sau đó là Tổng giám đốc trong suốt 10 năm, từ 2004 đến 2014.
Ít ai biết, ngoài cương vị của Tổng giám đốc một Ban QLDA ngành GTVT vốn khô khan, quanh năm, suốt tháng chỉ có những con đường, cây cầu, ông Sơn lại là một nhạc sĩ tài hoa. Ông là Hội viên Hội nhạc sỹ Hà Nội và đã từng nhận Huy chương vàng Quốc gia cho sáng tác và biểu diễn tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng ngành GTVT năm 2000. Ông còn sáng tác rất nhiều ca khúc về đề tài giao thông và Bác Hồ. Trong số sáng tác nổi bật ấy, một ca khúc được đánh giá là “đi cùng năm tháng” cũng gắn với kỷ niệm làm đường mòn trong Phủ Chủ tịch Con đường của Bác – đường Hồ Chí Minh, trong đó có đoạn: “Khi chúng con được về bên nhà Bác; Làm con đường mà mỗi sáng Bác đi; Quanh nhà sàn một con đường cách mạng; Là con đường Việt Nam – Con đường của Bác…”.
*******
TIẾN MẠNH
Phóng viên Báo Giao thông.
(Bài đăng trên Báo Giao thông ngày 19/2/2015)