Phạm Hồng Sơn - Đá Núi - Mãi Hồng - Nồng Say | Ngày 10/9 và những kỷ niệm không thể nào quên!
936
single,single-post,postid-936,single-format-standard,eltd-core-1.0.3,ajax_fade,page_not_loaded,,borderland-ver-1.8.1,vertical_menu_enabled, vertical_menu_left, vertical_menu_width_290,smooth_scroll,paspartu_enabled,paspartu_on_top_fixed,paspartu_on_bottom_fixed,vertical_menu_inside_paspartu,transparent_content,wpb-js-composer js-comp-ver-4.11.2.1,vc_responsive
Signature

Ngày 10/9 và những kỷ niệm không thể nào quên!

Signature

Phần 1 (Viết ngày 11/8/2014)
*****

Kỳ 1
***

Đêm 10/9/1985 bọn phỉ Fulro tập kích vào lán công trường (đóng tại Tà Huỳnh, phía Nam thị xã Kon Tum 13 km) thi công khôi phục đường 19bis (nối từ Tà Huỳnh QL 14 cũ sang Kon Tầng QL 19 thuộc tỉnh Gia Lai – Kon Tum cũ). Lúc đó vào khoảng 19h vừa ăn cơm tối xong, tôi đang nằm trên phản công trường kể chuyện phim CÁI TÁT cho anh chị em công nhân nghe (thời ấy TV chưa phổ thông như bây giờ), trong lán có khoảng 13-14 người, bất ngờ nghe tiếng cạch cạch vang lên, tôi ngẩng đầu hỏi: Cái gì vậy bay? Trong tích tắc một tiếng nổ xé tai kèm theo ánh chớp bùng lên, theo phản xạ tự nhiên tôi lăn ngay xuống đất, phía trên đầu tôi tiếng đạn nổ liên thanh chát chúa! Trong đầu tôi chọt nghĩ: Thôi chết, bọn Fulro tấn công rồi! Thế nào chúng nó cũng sẽ đốt lán công trường và tiêu diệt hết anh em công nhân là cái chắc! Tôi dán chặt người xuống mặt đất gồng người lên chờ đón đạn găm vào người! Chợt nghe tiếng Minh chị nuôi kêu lên vừa gào khóc: anh Sơn ơi em bị thương rồi! Trong đêm tối, dưới làn đạn tôi bò sang phía tiếng khóc thì đụng ngay cô ấy, tôi gằn giọng: Nằm xuống và im mồm đi không thì chúng nó biết còn sống thì nó giết đến cùng đấy!

Kỳ 2
***

Tôi hỏi: Bị thương ở đâu? Em bị thương ở tay. Tôi cầm vào cổ tay cô ấy thì tháy máu ướt đẫm, lầy nhầy. Tôi lần theo cánh tay lên đến gần vai thì gặp vết thương, bình tĩnh cởi áo may ô tôi đang mặc xé áo ra để băng bó cho cô ấy. Tôi hỏi: Còn bị thương ở đâu nữa không? Không. Xong xuôi tôi nói: cố chịu đau, đừng khóc, tìm cách thoát thân! Lúc này đạn vẫn xối xả liên hồi vào trong lán, tôi bò về phía cuối lán gần với con suối, vừa bò vừa nghĩ: Chắc là sẽ bị giết rồi, tiếc quá mình còn trẻ mà đã phải chết! Nhìn qua vách lán, lờ mờ mấy bóng đen cầm súng chờ sẵn, chắc là ai chạy ra chúng nó sẽ giết chêt luôn! Hết đường thoát, chỉ còn biết chờ chết thôi! Hơi lui lại để quan sát chờ thời cơ, chợt nghe tiếng kêu: Thằng Hải (lái máy ủi) chắc chết rồi! Tôi quát khẽ: Im mồm, giả vờ chết hết rồi để chúng nó không bắn nữa! Bỗng dưng có tiếng máy kéo MTZ nổ từ xa tiến về phía lán, đèn pha sáng rực. Ngay lập tức tiếng súng im bặt!

Kỳ 3
***

Tôi nghe thấy tiếng xì xồ của bọn Fulro nói chuyện với nhau bằng tiếng địa phương mà chẳng hiểu gì cả, rồi nghe tiếng chân tháo chạy của chúng nó. Lát sau thì máy kéo MTZ vào đến sân lán, tôi chợt hiểu: mình thoát chết rồi! Lúc đó tôi bình tĩnh lạ thường, nghĩ đến chuyện phải rút quân khỏi lán công trường chạy về phía thị xã Kon Tum. Tôi lao ngay ra sân chặn đầu MTZ, hai tay khua qua khua lại ra hiệu dừng và hét lên: Thuận ơi (tên cậu lái máy kéo MTZ của công trường), không được tắt máy để cứu anh em!

Viết đến đây tôi không thể kìm được những dòng nước mắt đang trào ra, kỷ niệm hôm đó ùa về đầy thảng thốt và xúc động! Mọi người hãy thông cảm cho tôi nhé! Gần 30 năm trôi qua rồi nhưng những hình ảnh thời khắc đó vẫn in đậm nét trong tôi, vẫn rõ mồn một và đầy đau xót! Tôi khóc nấc lên như một đứa trẻ! Lúc ấy tôi có khóc đâu, sao bây giờ hồi tưởng lại tự dưng nước mắt cứ thế tuôn trào…tuôn trào!

Thuận không hiểu chuyện gì xẩy ra, hơn nữa tiếng máy nổ to quá không nghe thấy tôi nói gì hết, cậu ấy tắt máy! Trời ạ, MTZ mà khởi động lại không biết là có chịu nổ máy lại cho không đây! Cậu ấy nhảy xuống đất hỏi tôi: Có chuyện gì thế anh Sơn? Tôi hét lên: Cậu nổ máy lại đi để cứu anh em trong lán bị bọn Fulro bắn chết gần hết rồi! Cái gì? Fulro tập kích lán chúng ta! Cậu ấy hiểu ra cơ sự và nhảy ngay lên khởi động lại máy. Ơn Trời, nhờ động cơ còn nóng nên máy nổ lại ngay. Tôi hô: Mấy anh em vào trong lán đưa hết mọi người và đồ đạc lên thùng mooc chạy về thị xã Kon Tum cấp cứu người bị thương ngay. Tôi lại lao vào trong lán, tiếng kêu khóc, tiếng rên rỉ ầm cả lán, một mùi tanh của máu nồng nặc lẫn trong mùi khét lẹt của thuốc súng không làm tôi chùn bước. Tôi ra lệnh: tất cả mọi người nhanh chóng lên thùng MTZ chạy về Kon Tum, đồ đạc mang được cái gì thì mang, nhanh lên không thì bọn Fulro quay lại thì chết hết đấy! Rất may cậu Thuận có cái đèn pin nên chiếu vào lán cho anh em lũ lượt chạy ra leo lên thùng mooc. Những người bị thương được những người khỏe mạnh cõng ra. Cậu Bình (lái máy ủi) bị thương rất nặng, cả một quả phóng lựu M79 găm vào và nổ ngay xương chậu làm xương vỡ toác ra máu chảy lênh láng. Bình vẫn nằm trên phản. Tôi lấy ngay chiếc áo khoác ngoài của tôi (dùng làm gối để ngủ) để làm băng quấn vào cả mông cho Bình. Lúc ấy tôi mới thấy cái áo khoác của mình dính đầy miểng M79, may mà tôi đã kịp lăn xuống đất chứ không thì bấy nhiêu miểng đạn ấy đã ghim hết vào đầu tôi rồi! Có tiếng hỏi: Người chết rồi có đưa đi theo không anh? Tôi nói: Đưa đi lên bệnh viện hết, kể cả người chết! Tôi đi đến phản cậu Hải nằm, màn vẫn buông, tôi lấy tay gạt màn nhìn vào thấy cậu ấy vẫn nằm im nhưng không thấy mặt cậu ấy đâu cả, khuôn mặt bay đi đâu mất chỉ còn lại nửa đầu trong đó toàn là óc! Tôi kêu lên: Các cậu, khiêng Hải ra mooc ngay. Vài ba cậu đi đến nhưng không cậu nào giám đứng vào phía đầu của Hải, lập tức tôi đừng vào đó và hô: Khiêng nào! Tay tôi đỡ xuống dười đầu cậu ấy và cùng mọi người khiêng xác Hải đi. Ra đến sân, vì sân vẫn lầy lội do mưa lúc chiều nên rất khó đi, tôi bị vấp ngã, cả nửa đầu của Hải trượt trên mặt tôi, óc và máu dính vào người tôi, nhưng lúc đó tôi không hề thấy sợ gì cả. Tôi gượng dậy tiếp tục đưa xác cậu ấy lên thùng mooc!

Kỳ 4
***

Đến lúc này tôi mới nhìn thấy Lê Ngọc Hiệp – Chỉ huy trưởng công trường (Khi đó tôi đang làm nhiệm vụ giám sát thi công của bên A do bên A chưa thuê Tư vấn giám sát như bây giờ). Tôi hỏi: Nãy giờ ông chạy đi đâu để tôi phải chỉ huy thay ông thế này? Hiệp trả lời: Tôi đang ngồi ngoài cửa lán nên khi thấy súng nổ tôi chạy tuốt vào rừng luôn, bây giờ thấy yên tôi mới quay về! Tôi bảo Hiệp lên mooc với anh em, anh chàng ngoan ngoãn leo lên ngay! Tôi hỏi to: Đã lên hết chưa, còn ai nữa không? Có tiếng trả lời: Lên hết rồi anh ạ! Tôi cẩn thận cầm đèn pin quay vào trong lán kiểm tra xem còn sót gì nữa không. Tôi quét qua một vòng, không còn ai ở đó, đồ đạc ngổn ngang, có lẽ không ai còn tâm trí nào mà lo thu dọn nữa. Tôi soi dưới đất thấy còn sót lại vài đôi dép tông đọng máu, chắc là của những người bị thương. Tôi quay ra và leo lên mooc bảo cậu Thuận chạy về Kon Tum! Chạy được một đoạn thì có tiếng đạn nổ phía sau mooc cách khoảng dăm chục mét. Tôi hét lên: Chạy nhanh lên Thuận ơi, bọn Fulro bắn đuổi theo đấy! Chiếc MTZ oằn mình lao đi trong đêm đen! Tôi nhìn quanh một vòng, người nằm, kẻ ngồi không ai nói câu gì, có lẽ sợ hãi quá rồi! Cậu Minh bị thương vào đùi (người duy nhất giữ khẩu súng AK của công trường), cô Minh ngồi tựa vào thành mooc. Tôi đến bên cạnh cậu Bình, cả chiếc áo khoác mà tôi quấn quanh người cậu ấy đã ướt đẫm máu! Bình nắm lấy tay tôi mếu máo: Anh Sơn ơi em có sống được không? Tôi động viên: Yên tâm, chúng ta đang về Bệnh viện Kon Tum, các Bác sỹ sẽ cứu cậu! Tự dưng Bình nghêu ngao hát trong mê sảng: Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu, còn gì nữa đâu mà sầu với nhớ…(bình thường cậu ấy cũng hay hát nhạc vàng). Tôi nói: Thôi đừng hát bậy bạ nữa, cậu sẽ sống mà!

Kỳ 5
***

Tôi nhìn về phía cuối mooc nơi cậu Hải nằm trong lòng đầy đau xót và thương cảm. Hải và Bình là thợ lái máy ủi KOMATSU của Công ty 707 (thuộc Binh đoàn 15 Bộ Quốc phòng đóng tại xã Buôn Hồ – Pleiku) do đơn vị thi công là Xí nghiệp thi công cơ giới PleiKu hợp đồng thuê máy. Bình đã có vợ và một con còn nhỏ, Hải thì chưa có gia đình. Thứ 7 vừa rồi Hải xin nghỉ làm một ngày để lên thị xã Kon Tum thăm người quen khi về lại lán công trường cứ kêu: Mình đi xe từ Kon tum về cứ sợ ngã vỡ đầu, may mà không sao. Vậy mà giờ đây cậu ấy đã chết vì vỡ đầu thật. Điều đó như là có điềm báo trước về cái chết của Hải vậy!
Khoảng 30 phút sau về đến Bệnh viện Đa khoa Kon tum. Chúng tôi đưa những người bị thương vào cấp cứu. Tôi bảo với các Bác sỹ: Cậu Bình bị thương rất nặng, đề nghị cho cấp cứu trước tiên. Bình được đưa vào phòng để mổ ngay. Bác sỹ ái ngại: Bị nặng thế này mà Bệnh viện không có thuốc tốt để chữa trị đâu, muốn có thuốc phải mua ngoài đấy! Thế là anh em chúng tôi quyên góp tại chỗ, ai có gì góp nấy, tôi góp ngay chiếc đồng hồ Citizen đeo tay (chính hãng của Nhật, tài sản đáng giá nhất của tôi lúc bấy giờ!). Chúng tôi kéo nhau ra ngoài tìm cửa hiệu bán thuốc Tây gõ cửa hỏi mua vì lúc đấy muộn rồi nên các cửa hiệu đều đã đóng cửa. Mua được thuốc về đưa ngay cho Bác sỹ để cứu Bình. Tôi gặp chị Ưng, Bác sỹ, chị của anh Chuông bạn thân của tôi. Chị hốt hoảng: Sơn ơi, em bị thương thế nào đấy? Tôi nói: Em có bị thương đâu! Chị bảo: Sao người cậu toàn là máu me thế này? Tôi trả lời: À đấy là máu của mấy người bị thương dính lên người em thôi, em không sao chị ạ! Chị dẫn tôi vào rửa mặt cho sạch sẽ rồi ra với anh em. Thật buồn, 3h sáng Bình chết! Trong đêm chúng tôi đưa Bình xuống nhà xác, để cậu ấy nằm cạnh Hải. Giờ đây 2 bạn lại ở bên nhau trong hoàn cảnh đau buồn khôn xiết!

 

old-bookKỳ 6
***

Chúng tôi thức trắng đêm, hút thuốc lá liên tục. Vừa trải qua những thời khắc khủng khiếp nhất của đời người nên ai cũng bơ phờ nhưng không ai buồn ngủ cả! Chúng tôi thoát chết cũng nhờ…nghiện thuốc lá! Một lý do hết sức …lãng nhách! Chả là vì hết thuốc lá nên tôi mới bảo cậu Thuận ra khu kinh tế mới cách lán chúng tôi khoảng 2 km mua thuốc về hút, Thuận lái MTZ đi, bởi vậy khi quay trở về cậu ấy cứ thế chạy rất… vô tư vì tiếng máy MTZ nổ quá to át cả tiếng súng đạn của bọn Fulro. Có lẽ bọn chúng thấy xe cứ chạy thẳng vào lán, đèn pha sáng rực không sợ súng đạn là ”quân tiếp viện” nên bỏ chạy không tấn công lán chúng tôi nữa!
Trời vừa sáng Công an tỉnh lên làm việc. Đầu tiên họ tiếp xúc với tôi để nghe tường thuật lại về vụ việc. Họ tìm hiểu xem mình có mâu thuẫn gì với dân sở tại không? Có nghi ngờ ai không? Chưa chắc đã phải là Fulro tấn công chúng tôi…Sau đó Công an đề nghị Bệnh viện chứng tử và mổ Pháp y, đồng thời yêu cầu tôi…làm nhân chứng cho việc mổ tử thi! Thế là tôi lại phải xuống nhà xác đứng chứng kiến Bác sỹ Súy (sau này là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kon Tum) mổ xẻ, kết luận về nguyên nhân cái chết của Hải và Bình. Lúc này tử thi đã chuyển sang màu vàng như nghệ, lạnh ngắt cứng đờ, tôi đứng đó mà không hề sợ hãi. Có thể vì họ là đồng đội của tôi, hơn nữa sự việc diễn ra liên tục nên tôi cũng chưa kịp định thần mọi việc như bình thường chăng? Tiếp đó, gần trưa Công an xuống hiện trường và lần này họ cũng đề nghị tôi đi cùng để làm chứng! Trời ạ, người nhiệt tình, nhanh nhẹn thường hay “bị mời” làm chứng những việc không ai dám làm hay sao ấy! Tôi lên xe Công an quay lại công trường. Xuống đến nơi đã thấy có một tốp Công an bảo vệ hiện trường từ lúc nào rồi! Bây giờ tôi mới nhìn thấy toàn cảnh rõ ràng cái lán tang thương của chúng tôi giữa ban ngày. Hai chiếc máy ủi nằm lặng câm dầu nhớt chảy lai láng, vỏ đạn AK, AR15, M79 ngổn ngang rơi vãi xung quanh. Lúc này tôi mới biết tôi và nhiều người thoát chết trong gang tấc nhờ 2 máy ủi kia hứng trọn những loạt đạn bắn thẳng về phía mình. Thảo nào khi đó tôi có nghe thấy tiếng nước chảy ào ào, hóa ra là tiếng chảy của dầu từ máy ủi tuôn ra do trúng đạn! Việc khôi phục tuyến đường 19bis này sẽ cắt đứt hành lang chuyển quân của bọn Fulro nên chúng tấn công chúng tôi để ngăn chặn không cho triển khai!

Kỳ 7
***

Xong việc, tôi quay lại Bệnh viện cùng anh chị em! Vì tất cả đều ở PleiKu nên chúng tôi xin chuyển viện đưa 2 người bị thương về Bệnh viện Đa khoa tỉnh ở PleiKu. Mấy ngày sau, ngày 14/9/1985 là ngày đổi tiền, cứ 10 đồng đổi thành 01 đồng tiền mới. Tất cả chúng tôi đều hết sạch tiền vì đã quyên góp mua thuốc cứu thương nhẵn cả túi rồi! Hàng ngày tôi vào viện thăm và gặp gỡ gia đình của Minh chị nuôi. Gia đình cám ơn tôi rối rít vì đã kịp thời băng bó và cứu cô ấy. Tôi bảo: Có gì đâu ạ, việc làm bình thường mà ai ở vào vị trí như tôi lúc ấy cũng đều như vậy mà. Gia đình mời tôi lúc nào rảnh thì về thăm cho biết nhà, tôi đồng ý. Nhắc lại việc này cũng xin nói thêm về công việc của các “chị nuôi” công trường. Họ còn rất trẻ, Lan 19 tuổi và Minh 17 tuổi, đều là con của gia đình Kinh tế mới ở Gia Lu (nằm ở khoảng giữa Kon Tum và PleiKu), do anh em đơn vị thi công hợp đồng làm “chị nuôi”. Tôi là giám sát A lên công trường công tác ở lại sinh hoạt ăn nghỉ chung với anh chị em trong lán nhưng vì là khách nên thường được các chị nuôi quan tâm dặc biệt hơn. Đổi lại, các buổi tối tôi hay kể chuyện phim, chuyện sách báo cho họ nghe. Thời đó phần lớn các công trường cầu đường miền núi đều rất đói về mặt tinh thần, đói thông tin và đói cả văn hóa…nhưng vì công việc và cũng vì yêu nghề nữa nên mọi người đều chấp nhận và vượt qua! Tôi lại còn độc thân nên các cô ấy cũng có thiện cảm hơn, nhất là Lan! Tuy nhiên tôi luôn giữ khoảng cách vì sợ “sa lầy” ở công trường thì chết!
Về PleiKu, buổi tối tôi về nghỉ ở nhà vợ chồng cô Thủy là em ruột tôi, cũng có hôm Lan đến chơi, chúng tôi trò chuyện thân tình rồi ra về chia tay như những người bạn. Sau khi lành vết thương, một buổi tối Minh tìm đến nhà thăm tôi, ở lại ăn cơm và nói: Tối nay em nghỉ lại ở đây nhé, vì bây giờ về Gia Lu thì xa quá, không có xe! Nhà thì của vợ chồng em gái, nhưng vì Thủy rất tôn trọng và quí anh trai nên nhiệt tình nhận lời ngay. Thế là tôi phải thu xếp cho cô ấy ngủ lại ở tầng trệt, còn tôi leo lên tầng ngủ…một mình! Lần đầu tiên trong đời một thanh niên trai tráng độc thân như thế này, sự việc khiến tôi bồn chồn không ngủ được! Có điều gì đó cứ thôi thúc tôi đi xuống nhà dưới, nhưng trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ đến một người!

Kỳ 8
***

Những ngày các bạn nằm viện trị thương tôi thường xuyên có mặt ở đó, nhiều bạn bè cứ tưởng tôi bị thương nên vào Bệnh viện thăm, tôi cười và giải thích nên mọi người cũng không còn phải lo lắng. Trong số đó có T.H, cô ấy đi cùng cậu Vinh làm cùng cơ quan vào thăm tôi. Đây chính là người mà lúc nằm dưới làn đạn của Fulro chờ đợi thần chết đưa đi tôi có nghĩ đến! Thời gian này tôi đang rất giận cô ấy vì đã có những lời nói và nhận xét không được hay về tôi! T.H khá xinh xắn dễ thương, thuộc vào tuýp “múp rụp” (cụm từ nam thanh niên thường gọi những cô gái hơi mập) nhưng tính tình lại thẳng thắn, hơi bị “phổi bò”, lại hay “làm cao” nên tôi mới “được tặng” cho mấy nhận xét như vậy! Mặc dù rất thích T.H nhưng tôi “dứt khoát nghỉ chơi” nhưng khi được cô ấy quan tâm tôi cũng cảm động! Lúc chia tay tôi vẫn giữ thái độ bình thản, có phần khách sáo cám ơn cô ấy đã đến thăm. Tuy vậy trong lòng tôi vẫn cảm thấy bâng khuâng khó tả! Có lẽ đó là tâm trạng của những anh chàng độc thân khi có bạn gái đến thăm thì phải!
Buổi tối mà Minh ngủ lại, hình như dành cho tôi một sự quan tâm rất đặc biệt, mặc dù Minh không nói ra nhưng tôi cảm nhận được tình cảm của một người thôn nữ tuổi 17 dành cho mình, nhưng với bản tính nhút nhát và rất nghiêm túc, cái nghiêm túc của sự giáo dục của chế độ, của gia đình, của xã hội thế hệ chúng tôi, đã ngăn cản tôi, không cho tôi lợi dụng lòng tốt và tình cảm của bạn gái khi mà mình chưa xác định nghiêm túc về trách nhiệm, về tương lai! Và, người mà tôi nghĩ đến lúc đó chính là T.H. Tất cả những điều đó đã giữ chặt tôi nằm thao thức cho đến khi trời sáng! Tôi tiễn Minh ra về, cô ấy trầm tư không nói năng gì, có vẻ buồn nhưng biết làm sao được!
Một tháng sau chúng tôi quay lại công trường tiếp tục công việc thi công đang dở dang với đội hình tăng cường và với tâm thế của những người lính chiến! Chiếc áo khoác dính đầy miểng M79 mà tôi sử dụng băng cho Bình được giặt sạch phơi khô và cất đi làm kỷ niệm và cũng là lời nhắc nhở tinh thần cảnh giác với mọi sóng gió trong đời!

Kỳ 9
***

Vì Hải và Bình là bộ đội nên đơn vị của họ lo tang lễ và làm thủ tục công nhận Liệt sỹ cho cả hai. Công ty 707 tiếp tục cử các lái máy khác thay thế. Hai chị nuôi cũng không dám tham gia tiếp tục mà thay thế bằng người khác, Lan vào làm việc tại Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi còn Minh ở lại nhà chờ tìm việc. Trước khi quay lại công trường, trong Ban Kiến thiết cơ bản của Sở nơi tôi công tác e rằng sẽ có người phải thay tôi vào công trường 19 bis nên có vài anh đã gặp tôi thương lượng: Tớ đã có gia đình, nếu có chuyện gì thì khổ vợ khổ con, cậu còn trẻ chưa vợ con gì thì không sao, cậu tiếp tục đi 19 bis đi nhé! Tôi bảo: Em sẽ tiếp tục các anh đừng lo! Tuổi trẻ, tính cách và nghề nghiệp khiến tôi không còn cảm thấy sợ hãi hay lần lữa lựa chọn cho mình một con đường khác, hơn nữa bản tính tôi thường hay xung phong đi làm những việc khó khăn mạo hiểm nên tôi lại khoác ba lô quay lại công trường ngay. Nhắc lại chuyện xung phong này tôi nhớ lại cuối năm 1977 khi vừa tốt nghiệp lớp 10 (tức là lớp 12 bây giờ) tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự vào bộ đội, khi đó chiến tranh biên giới Tây Nam với bọn Pôn Pốt đang vào hồi khốc liệt, mẹ tôi khóc mà rằng: Con ơi, tính mày hay xung phong thế nào rồi cũng hy sinh ngay mất thôi! Tôi cười và nói rằng: Con không chết đâu mẹ đừng lo! Thế nhưng sau đó giấy báo tôi vào học Đại học Giao thông đường sắt đường bộ Hà nội về đến Nông trường 1-5 trước khi lên đường nhập ngũ nên tôi được miễn nghĩa vụ và đi học. Tốt nghiệp Đại học trở thành Kỹ sư Đường ôtô tôi được đào tạo qua lớp Sỹ quan công binh 3 tháng nên cũng không lạ lẫm gì với súng đạn và kỷ luật quân đội.
Rút kinh nghiệm xương máu vừa qua, lần này công trường chúng tôi chọn vị trí đóng quân khác ở bên cạnh khu rừng già. Xung quanh lán công trường chúng tôi cho ủi quang với bán kính khoảng 300 m, đào giao thông hào từ trong lán ra ngoài để có thể linh hoạt di chuyển khi cần thiết. Xí nghiệp thi công cơ giới làm việc với thị đội tăng cường thêm một số súng liên thanh AK47 cho công trường tự vệ. Hàng đêm cắt cử canh gác cứ mỗi ca 2 người gác 2 tiếng đồng hồ, hễ có động tĩnh gì là nổ súng cảnh báo, những người đang ngủ cứ thế lăn từ trên phản xuống đất và nhảy xuống giao thông hào ngay! Y như bộ đội thời chiến vậy! Phản xạ tự nhiên hình thành trong tôi khiến cho khi đi ô tô chỉ cần xe xóc mạnh một cái là ngay lập tức nằm rạp xuống sàn xe!

letter-writing-1160x773

Kỳ 10
***

Bên cạnh đó để đảm bảo an toàn cho đơn vị thi công bên Quân đội cho một Trung đoàn rải quân dọc tuyến 19bis làm nhiệm vụ bảo vệ nên chúng tôi cũng đỡ lo bị bọn Fulro tấn công lần nữa! Đêm đêm, cứ hễ nghe động tĩnh gì ở ngoài rừng là anh em đang phiên gác nổ súng ngay lập tức, báo hại những người đang ngủ ngon cũng phải lăn xuống đất chạy xuống giao thông hào ra ngoài lán. Dần rồi cũng quen với không khí vừa làm việc vừa tập dượt chiến đấu. Cứ chiều thứ 7 tôi lại về Pleiku nghỉ ngơi và thăm bạn bè, sáng thứ 2 lại khoác ba lô vào công trường.
Nửa năm sau, tôi được bác Lâm, Giám đốc Sở, gọi lên giao nhiệm vụ mới: Tăng cường 1 năm cho Liên hiệp Lâm – Nông – Công nghiệp ĐăkGlei. Liên hiệp mới thành lập do Tiến sỹ Lê Tấn Đành, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Lâm nghiệp, làm Tổng Giám đốc, thiếu Kỹ sư cầu đường nên đề nghị Sở Giao thông vận tải cử người lên tăng cường, vậy là tôi được Lãnh đạo Sở đưa vào danh sách ấy!
Ai đã từng đọc bài thơ Tiếng hát đi đày của Nhà thơ Tố Hữu viết về vùng đất ĐăkGlei thì sẽ cảm nhận nhận được những khó khăn, gian khó của nơi đây:
“Đường lên Đăk Sut, Đăk Lây
Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim!”
Thời Pháp thuộc, Thực dân Pháp đã cho xây dựng Ngục ĐăkGlei ở đây để giam giữ những người yêu nước, trong đó có Tố Hữu, bởi vậy mới có mấy câu thơ trên! Quả thật nơi đây không hề nghe thấy có tiếng chim, có lẽ vì đất không lành nên chim không đậu chăng? ĐăkGlei cũng là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ. Đây cũng là miền đất Bắc Tây nguyên giáp với Lào và với Căm Pu Chia tạo nên một ngã 3 biên giới kỳ bí, một con gà gáy cả 3 nước cùng nghe! Đồng thời giáp với Quảng Nam, có đỉnh núi Ngọc Linh cao nhất miền Nam nổi tiếng với loài sâm quí! Con đường nối ĐăkGlei về phía Nam với Pleiku, Kon Tum, về phía Bắc với Quảng Nam, Đà Nẵng chính là QL14 nơi có Đèo Lò Xo hiểm trở (nay là đường Hồ Chí Minh) được làm từ thời Pháp do những người tù Cách mạng bị bắt buộc lao động khổ sai làm nên! Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước con đường đó cũng là một trong những tuyến đường trong mạng đường “xuyên rừng rậm” – đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại! Sau 1975 con đường không được đầu tư xây dựng nên đi lại vô cùng khó khăn, tắc và đứt đường ở ngay Đèo Lò Xo, vì vậy không thể liên thông về đồng bằng được mà phải quay ngược lại Pleiku mới có thể xuống QL1A! Khi đứng ở Đèo Lò Xo nhìn về phía Quảng Nam, Quảng Ngãi, tôi ước ao con đường được đầu tư xây dựng để nối liền ĐăkGlei với quê mình. Và đó là con đường nối bao nhiêu mơ ước mà tôi đã viết trong ca khúc “Con đường của Bác đường Hồ Chí Minh” giờ đây đã là hiện thực, có đóng góp sức lực và trí tuệ của chính mình và các đồng nghiệp!
Hai năm công tác ở Liên hiệp tôi đã học hỏi được rất nhiều từ anh Tư Đành và trưởng thành vượt bậc. Đó cũng là tiền đề để trở thành một cán bộ cốt cán của những cơ quan mà tôi được công tác sau này!

(Hết phần 1)

*******

Phần 1 này đã được đăng trên Báo Giao thông từ số 17, 18 và 19 năm 2015 và đã đạt Giải nhất Báo Giao thông thể loại Phóng sự ký sự nhân kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống ngành GTVT Việt Nam.
(Đã in trong tập truyện ngắn Sống dưới họng súng cướp biển của  Báo Giao thông do Nhà Xuất bản Thanh niên phát hành 2015 dưới nhan đề Làm đường dưới làn mưa đạn Fulro)
*******
@@@
Mời xem tiếp phần 2
@@@

1 Comment
  • phamhongson
    Reply

    http://www.baogiaothong.vn/trao-giai-phong-su-ky-su-va-ky-niem-sau-sac-ve-nganh-gtvt-d108548.html
    Trao giải phóng sự, ký sự và kỷ niệm sâu sắc về ngành GTVT
    08/06/2015 – 17:14 (GMT+7)
    Sau một năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 300 tác phẩm của các tác giả chuyên và không chuyên.
    DSC_0095
    Qua sàng lọc, tuyển chọn các tác phẩm đạt chất lượng, Báo Giao thông đã đăng tải khoảng 150 tác phẩm, gồm: hơn 90 phóng sự, ký sự và phóng sự ảnh; 50 tác phẩm viết về những kỷ niệm sâu sắc
    Sáng nay (9/6), Bộ GTVT, Báo Giao thông tổ chức trao giải cho các tác giả đạt giải cuộc thi viết “Phóng sự – ký sự, phóng sự ảnh và bài viết kỷ niệm sâu sắc về ngành Giao thông vận tải” hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành GTVT(28/8/1945 – 28/8/2015).

    Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, tháng 6/2014 Báo Giao thông phát động cuộc thi viết này nhằm phát hiện, tôn vinh những điển hình tiến tiến, những hành động mưu trí, dũng cảm và sáng tạo trong chiến đấu, lao động sản xuất của những người lao động trong ngành GTVT các thời kỳ.

    Sau một năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 300 tác phẩm của các tác giả chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Qua sàng lọc, tuyển chọn các tác phẩm đạt chất lượng, Báo Giao thông đã đăng tải khoảng 150 tác phẩm, gồm: hơn 90 phóng sự, ký sự và phóng sự ảnh; 50 tác phẩm viết về những kỷ niệm sâu sắc; Trong số này có nhiều tác phẩm từ 2, 3 kỳ trở lên. Tác phẩm nhiều kỳ nhất lên tới 12 kỳ là loạt phóng sự: “Những mảnh đời bất hạnh sau tai nạn”.

    Các tác phẩm dự thi đa phần có chất lượng tốt, có góc nhìn tươi mới, thể hiện được truyền thống anh hùng “Dũng cảm – Thông minh – Sáng tạo” cả trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước của ngành GTVT; Những thành quả nổi bật của ngành GTVT tải từ ngày đất nước đổi mới trên những công trình đã và đang được xây dựng trên khắp cả nước từ đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, đăng kiểm…

    Qua cuộc thi cũng tôn vinh và tạo được một phong trào truyền thông sâu rộng về những tấm gương người tốt, việc tốt, những hành động dũng cảm, mưu trí đã và đang hy sinh vì sự nghiệp phát triển ngành GTVT; đồng thời thông qua các bài viết cũng là dịp để cán bộ, công nhân viên ngành GTVT ôn lại những kỷ niệm, những ký ức mà cả đời mình đã gắn bó, trải nghiệm, thậm chí đổ máu vì sự phát triển của ngành GTVT và đất nước.

    IMG_0946 (2)
    Cuộc thi cũng tôn vinh và tạo được một phong trào truyền thông sâu rộng về những tấm gương người tốt, việc tốt, những hành động dũng cảm, mưu trí đã và đang hy sinh vì sự nghiệp phát triển ngành GTVT
    Trong số này có nhiều bài viết xuất sắc, lôi cuốn bạn đọc, điển hình như tác phẩm đạt giải nhất thể loại phóng sự ký sự: “Làm đường dưới làn mưa đạn Fulro” của tác giả Phạm Hồng Sơn – Tổng giám đốc Ban QLDA 2. Đây là tác phẩm dựa trên câu truyện có thật mà chính tác giả đã trải nghiệm cách đây 30 năm, năm 1985, khi đó ông còn là một thanh niên mới ra trường. Thời điểm đó, trong suy nghĩ của mọi người, đất nước đang trong thời bình, không còn tiếng súng. Nhưng sự thật lại không hẳn vậy, trên công trường đóng tại Tà Huỳnh, phía Nam thị xã Kon Tum, thuộc dự án khôi phục đường 19bis, tiếng súng của Fulro vẫn nổ, vẫn cướp đi hai sinh mạng là những công nhân làm đường, khi chúng quyết ngăn cản những người làm con đường này.

    Tác phẩm đạt giải nhất thể loại Kỷ niệm sâu sắc về ngành GTVT: “Ông Sáu Dân với con đường nối hai thế kỷ” của tác giả Hà Đình Cẩn, cũng để lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Đây là kỷ niệm của tác giả, nguyên là Tổng giám đốc đầu tiên của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, ông viết lại những câu chuyện hậu trường, từ khi hình thành ý tưởng đến khi quyết định xây dựng con đường xuyên Việt thứ hai. Ở đó có vai trò đặc biệt của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một con người quyết đoán, dám làm dám chịu vì mục tiêu phát triển đất nước. Thông qua đây, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về quyết sách đầy quyết liệt, táo bạo nhưng hết sức sáng suốt của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ GTVT khi quyết định triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh thời điểm đó.

    Về các tác phẩm đạt giải: Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, với sự tham gia của các nhà báo chuyên nghiệp và lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất trị giá 20 triệu đồng, 2 giải Nhì mỗi giải 15 triệu đồng, 3 giải Ba mỗi giải 7 triệu đồng và 5 giải Khuyến khích mỗi giải 3 triệu đồng thể loại phóng sự, ký sự; 1 giải Nhất 15 triệu đồng, 1 giải Nhì 10 triệu đồng, 2 giải Ba mỗi giải 5 triệu đồng và 5 giải Khuyến khích mỗi giải 3 triệu đồng thể loại kỷ niệm sâu sắc về ngành GTVT.

    Các tác phẩm đạt giải cụ thể như sau:

    Đối với thể loại Phóng sự, ký sự:

    – 1 giải Nhất: “Làm đường dưới làn mưa đạn Fulro” của tác giả Phạm Hồng Sơn – Tổng giám đốc Ban QLDA 2

    – 2 giải Nhì: “Sống dưới họng súng cướp biển” của tác giả Huy Lộc – Báo Giao thông; và “Người mở đường huyền thoại” của Nhà văn Nguyễn Một.

    – 3 giải Ba gồm: “Gã khủng” dốc tiền mua “cục nợ” chờ phá sản” của tác giả Đức Thắng – Tiến Mạnh – Báo Giao thông; “Ám ảnh đời lái tàu” của tác giả Thiện Anh – Báo Giao thông; “Đường xuyên cung lửa” của tác giả Văn Hiền – Việt Trung – Truyền hình ANTV.

    – 5 giải Khuyến khích gồm: “Những mảnh đời bất hạnh sau tai nạn” của nhóm tác giả Phóng viên Báo Giao thông; “Chàng Robinson 30 năm canh “mắt thần” biển Đông” của tác giả Danh Khoa; “Những người lên miền tây” của nhà văn Lê Minh Khuê; “Hiến đất tổ tông làm quốc lộ” của tác giả Ngọc Anh; “Công trường MD1, MD2 – một thời để nhớ” của tác giả Cấn Hồng Lai – Tổng giám đốc Cienco 1.

    – 1 giải Khuyến khích cho phóng sự ảnh: “Nghề dựng tóc gáy” của tác giả Khánh Linh – Báo Giao thông

    Đối với thể loại Kỷ niệm sâu sắc

    – 1 giải Nhất: “Ông Sáu Dân” với con đường nối hai thế kỷ” của tác giả Hà Đình Cẩn – nguyên Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh.

    – 1 giải Nhì: “Giao thông vận tải và nguồn cảm hứng sáng tác bất tận” của nhà văn Nguyễn Hiếu, nguyên Trưởng phòng Kinh tế Tổng hợp Đài Tiếng nói Việt Nam

    – 2 giải Ba: “Hành trình giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh” của tác giả Thanh Bình – Báo Giao thông; “Chuyện ba vị tướng làm Bộ trưởng GTVT” của nhà báo Quang Tuấn, nguyên phóng viên chuyên trách Tổng Bí thư (Báo Nhân dân).

    – 5 giải Khuyến khích: “Đường Hồ Chí Minh, những năm tháng không quên” của tác giả Nguyễn Ngọc Long – nguyên Cục trưởng cục QLXD&CLCTGT; “Cả làng dỡ nhà, lấy gỗ lót đường cho xe qua” của tác giả Văn Thanh; “Thông điệp từ đường 20 – quyết thắng” của nhà báo Chu Soàn – Nguyên trưởng Ban Biên tập Xây dựng quản lý đô thị Đài phát thanh Truyền hình Hà Nội; “Những kỷ niệm với Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ” của tác giả Nguyễn Hữu Sinh – nguyên chuyên viên đối ngoại Bộ GTVT; “Bám “cổng trời” mở đường N.379 Tây Bắc” của tác giả Đoàn Văn Bửu – nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam.

    Hà Thanh

    August 16, 2016 at 1:52 am

Post a Comment